Tra Từ Điển Đạo Phật

Tìm kiếm theo chữ cái

Tăng Bảo

là những vị tu sĩ Phật giáo, là Bậc Thánh Tăng phạm hạnh, tu hành đã chứng đạt chân lý có đủ Dũng-Trí-Bi, có đủ Tứ vô lượng tâm… luôn làm gương hạnh thiện pháp cho Phật Tử làm nơi nương tựa Qui-Y để Tu tập.

Có Tăng Bảo mới soi sáng cho chúng ta thấy được Pháp Bảo và Phật Bảo, sống như Phật, giới luật nghiêm chỉnh, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào, thường làm gương sáng hay làm ngọn đuốc Đức Hạnh cho mọi người soi.

Họ là những vị Tăng Sĩ cạo bỏ râu tóc, đắp áo Cà Sa, ta bà khất thực, ăn chay ngày một bữa, sống y như Phật, thiểu dục tri túc, giới đức tinh nghiêm, làm gương hạnh sáng cho mọi người soi. Tăng Bảo là người nêu cao Phạm hạnh của Phật giáo, là người mô phạm gương mẫu cho mọi người tu tập theo Phật giáo.

Nương tựa vào vị ấy tức là QUY Y TĂNG BẢO. Chọn lựa một vị thánh tăng để quy y là phải chọn một vị tu sĩ cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia sống không gia đình, không nhà cửa, tâm hồn trắng bạch như vỏ ốc, phóng khoáng như hư không, vị tu sĩ ấy phải biết “thiểu dục tri túc”, tức luôn luôn biết đủ, không bao giờ thấy thiếu một vật gì.

Tăng là một con người đang sống như mọi người, nhưng là một người đã tu chứng đạt chân lý, nên người ấy có nhiều kinh nghiệm trên đường tu tập để hướng dẫn những người khác. Nhờ có Tăng Bảo mà mọi người mới thực hiện đúng Phật pháp.

Tăng Bảo là ngôi thứ ba nhưng lại quan trọng nhất trong ba ngôi Tam Bảo. Không có Tăng Bảo thì không bao giờ chúng ta giác ngộ chân lý; không giác ngộ chân lý thì biết gì mà hộ trì chân lý. Chân lý không được hộ trì thì làm sao chứng đạt được chân lý.

Khi tu tập gặp những khó khăn hay rắc rối, hỏi kinh thì kinh không thể trả lời được. Cho nên Pháp Bảo quý mà không quý bằng Tăng Bảo. Khi nương tựa (quy y) vào người này, thì được người ấy khai ngộ chân lý, người ấy dạy chúng ta hộ trì chân lý.

Chân lý được hộ trì thì không bao lâu chúng ta chứng đạt chân lý. Khi chứng đạt chân lý xong là chúng ta sẽ làm chủ: sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi. Đức Phật đã dạy: “Muốn tìm hiểu Phật giáo thì phải chọn một vị Thầy tâm hết tham pháp, sân pháp, si pháp”.